Hiểm họa từ những thẩm mỹ viện trái phép


Dạo qua một vòng trên các mạng xã hội như Facebook, instagram, Zalo… sẽ dễ dàng thấy những quảng cáo về các dịch vụ làm đẹp. Cam kết có chuyên gia nước ngoài uy tín hỗ trợ công nghệ làm đẹp. Trước những lời giới thiệu có cánh, nhiều người đã tin tưởng tìm đến các cơ sở thẩm mỹ viện không phép. Nhưng kết quả may rủi ra sao thì khó mà lường hết được.

Mất tiền, thêm tật...

Vốn sở hữu đôi mắt to hai mí nhưng khi bước vào tuổi trung niên, da mắt chị Bảo L. (ở Hải Dương) bắt đầu chùng xuống khiến mí bị nhỏ lại. Thấy một spa tại Hà Nội quảng cáo công nghệ bấm mí mắt Ấn Độ, chị đã tìm đến với mong muốn lấy lại tuổi thanh xuân thuở nào. Thế nhưng, sau khi bấm mí, mắt chị L. bỗng bị lệch, bên to bên nhỏ, thậm chí vết khâu xuất hiện mủ và nhiễm trùng. Chị L. cũng đã quay lại cơ sở spa thì nhận được lời giải thích, hiện tượng trên là bình thường, chờ thêm thời gian mắt sẽ to đẹp... Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua nhưng mắt chị L. vẫn bị lệch...

Chị Nguyễn Thu H. (30 tuổi, ở tòa nhà Keangnam, Hà Nội) cho biết, trước đây mặt chị có một số sẹo thâm, lỗ chân lông trên da mặt to. Muốn sở hữu một làn da đẹp, chị đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ và được nhân viên tư vấn sử dụng phương pháp lăn kim. Tuy nhiên, đẹp chưa thấy đâu, chị H. tá hỏa khi thấy mặt nổi nhiều mụn, có mủ, một số cục viêm tấy gây đau nhức hai bên quai hàm. Sau khi dừng sử dụng dịch vụ của thẩm mỹ viện, chị H. đến khám tại Khoa Da liễu một bệnh viện công. Bác sĩ cho biết, chị bị viêm da mủ (nhiễm khuẩn) sau lăn kim do trong quá trình thực hiện kỹ thuật can thiệp có xâm lấn không bảo đảm vô trùng…


Vào các trang mạng xã hội dễ dàng đọc được những thông tin quảng cáo về dịch vụ làm đẹp.


Nhiều "chiêu" đối phó

Ngày 2-6, trao đổi với phóng viên, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cũng thừa nhận, qua kiểm tra, các sai phạm mà các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ thường mắc nhiều nhất vẫn là quảng cáo sai sự thật, thổi phồng các giá trị thật của các dịch vụ làm đẹp… Có trường hợp, nơi quảng cáo không phải là nơi trực tiếp thực hiện các dịch vụ làm đẹp mà chỉ là trung gian nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc các cơ sở làm đẹp đăng ký với tên gọi chung là thẩm mỹ viện cũng dễ khiến người dân hiểu lầm nơi đây có thể thực hiện các phẫu thuật làm đẹp. Chính vì đặt niềm tin nhầm địa chỉ nên không ít chị em đã phải trả giá đắt, trở thành nạn nhân của những ca phẫu thuật xẻ mí, hút mỡ, nâng ngực, xăm mắt… không thành công.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, để tránh “tiền mất, tật mang”, những người đi làm đẹp nên tìm hiểu kỹ các dịch vụ về lĩnh vực này. Ngoài những thông tin từ đội ngũ tư vấn viên spa, nên tham khảo thêm các thông tin khuyến cáo từ ngành Y tế. Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mỹ viện trái phép thậm chí là thẩm mỹ viện đã được cấp phép vì chỉ có các bệnh viện lớn như Bệnh viện 108, Bạch Mai, Hữu nghị Việt - Đức, Đa khoa Xanh Pôn… mới được tiến hành các thủ thuật này. 

Đây là những kỹ thuật bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24 giờ, chăm sóc hậu phẫu... Các thẩm mỹ viện, dù có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cũng không được phép tiến hành những phẫu thuật trên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hà Nội: Dự án Golden West bị đình chỉ hoạt động

Lỏng lẻo trong việc quản lý các thẩm mỹ viện sai phạm